Thánh Đa Minh: Người của trung tâm và ngoại biên
Tu sĩ Simon Tugwell, sử gia Dòng Đa Minh, trong loạt bài đầu tiên về cha thánh Đaminh thành Caleruega, được xuất bản năm 1995 trên tạp chí Archivum Fratrum Praedicatorum, có viết một chương với tựa đề là "Thánh Đaminh và các Giáo hoàng của ngài". Trong bài viết đó, anh bàn về mối tương quan cá nhân giữa thánh Đa Minh với hai vị Giáo hoàng đầu tiên của thế kỷ XIII, Đức Innocent III (1198-1216) và Đức Honorius III (1216-1227): chính nhờ sự mở lòng của cả hai vị Giáo hoàng này đối với dự phóng của thánh Đa Minh mà Dòng Anh Em Giảng Thuyết đã ra đời và lan rộng nhanh chóng ở nhiều vùng khác nhau của Châu Âu theo Kitô giáo.
Ngoài hai vị Giáo hoàng này, chúng ta phải kể thêm một vị Giáo hoàng thứ ba: Đức Gregory IX (1227-1241), người khi còn là Hồng y Ugolino, Giám mục của Ostia, đã gắn bó với thánh Đa Minh bằng một tình bạn sâu sắc, đến mức ngài đã đến chủ tế tang lễ của thánh Đa Minh ở Bologna vào năm 1221. Chính Đức Gregory IX là người đã phong thánh cho Vị sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết vào năm 1234. Một nguồn tài liệu từ thế kỷ XIII, được biết đến với tên gọi "Thông điệp" của Chân phước Jordan xứ Saxony về việc di dời thi hài thánh Đa Minh, cho biết Giáo hoàng Gregory đã bày tỏ niềm xác tín của mình về sự thánh thiện của thánh Đa Minh ngay cả trước khi việc di dời diễn ra vào năm 1233.
Chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thuộc về con số các mục tử của Giáo hội hoàn vũ được gắn tên gọi 'các Giáo hoàng của Đa Minh'. Trong bài phát biểu với những người tham dự Tổng Tu nghị của Dòng Anh Em Giảng Thuyết vào ngày 4 tháng 8 năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng, Đức Thánh Cha đã khen ngợi công trình của thánh Đa Minh, lưu ý rằng "tấm gương của ngài thôi thúc chúng ta dám tiến bước về tương lai với niềm hy vọng, biết rằng Thiên Chúa luôn đổi mới mọi sự... ". Hôm nay, trong lá thư Praedicator Gratiae, được viết nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh của thánh Đa Minh, Đức Thánh Cha một lần nữa nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau trong nhân cách của cha thánh và những đóng góp của ngài cho Giáo hội thời đó. Một số khía cạnh có thể được tóm tắt nơi khả năng phi thường của thánh Đa Minh trong việc di chuyển giữa trung tâm và vùng ngoại biên, hay chính xác hơn nữa, là giữa các trung tâm và các vùng ngoại biên.
Thánh Đa Minh đã thể hiện lòng can đảm lớn lao khi vượt ra ngoài truyền thống đan viện-kinh sĩ là môi trường đào luyện của ngài, mà không từ bỏ nó hoàn toàn, nhằm thi hành ơn gọi của mình là một nhà giảng thuyết Tin Mừng lưu động trước những nhu cầu phổ biến trong thời bấy giờ. Nhiều nguồn tư liệu giải thích sự dẫn thân yêu thương của ngài đối với những con người ở vùng ngoại biên của xã hội và Giáo hội là nhờ vào việc ngài neo chặt vào tình yêu Chúa Kitô, trung tâm cuộc đời ngài với tư cách là một nhà giảng thuyết. Như một tu sĩ đã làm chứng trong quá trình phong thánh, mối quan tâm của thánh Đa Minh tập trung vào ơn cứu độ không chỉ riêng của các Kitô hữu mà còn cả những người không tin, những người mà ngài không muốn bị cắt đứt khỏi họ để giữ đức tin nguyên vẹn, nhưng lại là những người ngài rất mong muốn được gặp, trong sự khiêm tốn và tôn trọng, để truyền đạt cho họ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô của ngài. Và đây chính là ý hướng trọng tâm của Hội Dòng mà ngài đã thành lập. Tuy nhiên, để các anh em của mình có thể thành công khắp mọi nơi, ngài cũng quan tâm đến việc học hành của họ, gửi họ đến Paris, trung tâm trí thức của Âu châu thời đó. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lựa chọn này đối với các Nhà giảng thuyết, là những người phải được chuẩn bị tốt cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội.
Một khía cạnh quan trọng, được nhiều người biết đến, trong nhân cách của thánh Đa Minh là ngài luôn gắng có những tương quan thân thiết với các Giáo hoàng, là người đứng vị trí trung tâm Giáo hội hoàn vũ: và điều này chắc chắn không phải để tìm kiếm lợi ích cá nhân, cũng không phải để hưởng lợi từ sự hỗ trợ của 'quyền lực' trung ương, nhưng là để có được sự tán thành cho dự phóng giảng thuyết của ngài nhắm đến ơn cứu độ các linh hồn, cùng đích của việc giảng thuyết. Các nhà sử học đã nhiều lần nhấn mạnh chính sự tập trung của thánh Đa Minh vào mục tiêu ơn cứu độ các linh hồn đã trở thành nền tảng của hiến pháp Dòng Đa Minh. Khía cạnh này đã được nhà sử học người Đức Gert Melville gọi là "tính hợp lý hệ thống" (Systemrationalitât) và được coi là lý do cho sự thành công của Dòng Đa Minh trong thời Trung Cổ.
Đề cập đến hình thức quản trị cộng đoàn của Dòng Anh Em Giảng Thuyết do Đấng sáng lập lựa chọn, Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến một đặc điểm cá nhân khác nơi thánh Đa Minh: đó là, việc thánh Đa Minh coi vai trò của mình như là trung tâm hay nguyên lý hiệp nhất của Dòng không phải là thành công cá nhân, nhưng là để phục vụ Giáo hội. Sự quan tâm đến những con người bên lề cuộc đời không hề vơi cho đến cuối đời của nhà giảng thuyết khiêm nhường này. Tóm lại, tôi tin rằng tôi có thể nói mà không sợ mâu thuẫn rằng khả năng phi thường của thánh Đa Minh trong việc trở thành con người cân bằng giữa (các) trung tâm và (các) vùng ngoại biên là lý do khiến ngài luôn đáng được chúng ta chú ý.
【Ts. Viliam Stefan Dóci, O.P., Viện Sử học Dòng Anh Em Giảng Thuyết.】
【Chuyển ngữ: Ts. Vincent Lê Quốc Hưng, O.P.】