Đức Giêsu, nhà giảng thuyết về niềm hy vọng
500 năm hiện diện đầy thăng trầm của Dòng tại Mexicô
(x. Tultenango 57 và 58)
Tổng hội Tultenango được tổ chức từ ngày 16/7 – 8/8/2022, tại tu xá thánh Đa Minh, nằm trong thị trấn Tultenango. Công vụ Tultenango đã dành ra 2 số đầu của chương 2 tóm lược sự hiện của Dòng Anh Em Giảng Thuyết tại Mexicô.
Năm 1526, các anh em Đa Minh Tây Ban Nha lần đầu tiên đặt chân đến Mêxicô. Sự phát triển của Dòng ở Mêxicô rất nhanh chóng. Chỉ trong vòng 25 năm, đã có 2 tỉnh dòng được khai sinh. Và thêm 100 năm nữa, 2 tỉnh dòng nữa được thành lập. Một trong số 4 tỉnh dòng này, có hơn 1000 tu sĩ.
Trong số các tu sĩ đầu tiên đặt chân đến Mexicô, anh Bartolomeo da las Casas, vị giám đầu tiên của Chiapas, miền Nam Mexicô.
Tại thành phố Oaxaca, miền Nam Mexicô, Dòng để lại dấu ấn với hơn 200 công trình kiến trúc, ngày nay khách du lịch thu hút đến “Ruta Dominica – con đường Đa Minh” và nhà thờ Thánh Đa Minh.
Thêm vào sự hiện diện của anh em Đa Minh, còn có 18 đan viện ở Mexicô, gồm 260 đan sĩ, và 2 đan viện nữa (1 ở Nicaragua và 1 ở Cuba). Ba Hội dòng Nữ tu Tông đồ cũng được thành lập tại Mexicô. Năm 1628, tức hơn 100 năm sau khi Dòng đặt chân tới Mexicô, huynh đoàn giáo dân Đa Minh đầu tiên được thành lập.
Bên cạnh dấu ấn lịch sử đầy vinh quang này, Dòng ở Mexicô cũng đã phải đương đầu với nhiều đau khổ và bách hại. Giữa thế kỷ 19, nhà nước ban hành đạo luật chống Giáo hội, Dòng bị hạn chế hoạt động, bị thu tài sản. Năm 1861, các anh em/chị em Đa Minh bị trục xuất khỏi các tu viện, tu xá, và phải phân tán vào nhà dân để ẩn náu.[1]
Đến năm 1894, chỉ còn 4 anh em Đa Minh ở Mexicô. Vào năm 1910, cuộc cách mạng chống giáo sĩ một lần nữa nổ ra đã dập tắt mọi nỗ lực tái lập sự hiện diện của Dòng.
Dưới bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, huynh đoàn giáo dân Đa Minh hồi sinh và tái lập vào năm 1908. Các anh chị em này âm thầm tụ họp để tục làm chứng cho Lời Chúa. Sau hơn 1 thế kỷ, hiện nay Mexicô có 28 huynh đoàn với 300 thành viên (con số không đáng là bao so với Việt Nam!). Sau đúng 100 năm bị phân tán, vào năm 1961 (tức là chỉ 6 năm trước khi tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam được thành lập), Tỉnh dòng Santiago (Santiago có gốc tiếng Hípri nghĩa là Giacóp, Giacôbê) được tái lập tại Tultenango.
Chính tại Tu xá thánh Đa Minh, nơi các anh em còn sót lại đã tu họp để tái lập sự hiện diện của Dòng, các giám định viên được bầu từ các tỉnh dòng, dự tỉnh và phụ tỉnh, đã tụ họp để cử hành Tổng hội Tultenango 2022.
Những thách đố của thời đại đối với sứ vụ Đa Minh
(x. Tultenango 59)
Các nghị huynh Tổng hội đã nêu ra những thách thức của thời hiện đại đang được đặt ra cho các anh em Đa Minh với tư cách là những nhà giảng thuyết bằng lời và bằng đời sống:
- Làm thế nào chúng ta có thể rao giảng Chân lý - Veritas trong một thế giới ngập tràn dối trá, nói nửa sự thật, thao túng, lèo lái các câu chuyện để trục lợi cho mình?
- Làm thế nào để chúng ta sống và làm chứng với tư cách là một cộng đoàn yêu thương khi thế giới của chúng ta ngày càng bị phân cực và chia rẽ. Mặc dù các công nghệ thông tin ngày càng cải tiến, thì nhiều phần thế giới ngày càng trở nên cô lập và nhiều người vẫn phải sống cô đơn?
- Làm sao lời rao giảng của chúng ta có thể thuyết phục được người khác khi mà những vụ bê bối tình dục và chia rẽ trong Giáo hội đang làm suy giảm tính khả tín của chúng ta?
- Chủ nghĩa thế tục chiếm ưu thế, thậm chí gây ra những đối kháng và bạo lực đối với các Kitô hữu, kể cả đối các thành viên của Dòng chúng ta.
- Chiến tranh và bạo lực dường như nổ ra xung quanh chúng ta, ngay cả ở những nơi mà chúng ta nghĩ rằng cuối cùng đã học được cách chung sống hòa bình.
- Nghèo đói ngày càng trầm trọng, có hàng triệu người di cư và tị nạn phải rời bỏ đất nước của họ để mong tìm được những điều kiện sống tốt hơn.
- Môi trường thiên nhiên tiếp tục bàn tay con người tàn phá và khai thác quá mức.
Từ sau Tổng hội Biên Hoà 2019, đại dịch COVID-19 đã làm xáo trộn mọi khía cạnh đời sống của con người trên khắp thế giới: những cái chết thương tâm, bệnh tật và những hậu quả của nó vẫn tiếp tục, những thiệt hại về kinh tế, những ảnh hưởng xấu đến lãnh vực giáo dục, tác động đến sức khỏe tâm thần cá nhân và đời sống xã hội, thậm chí làm thay đổi cách thức thực hành đạo (các Kitô hữu dần quen với việc theo dõi các cử hành phụng vụ: Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, v.v.., qua màn hình. Thậm chí việc tổ chức Tổng hội Tultenango cũng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi COVID-19: Ngày nào cũng có những giám định viên phải cách ly, các chương trình và hoạt động phải giảm bớt hoặc thay đổi.
Đức Giêsu, nhà Giảng Thuyết của mọi thời đại (x. Tultenango 60-62)
Đâu là nền tảng cho chúng ta để đương đầu với những thách thức trên đây? Các nghị huynh Tổng hội gợi lại điều thánh Đa Minh đã ấp ủ, đã sống và đã truyền cho anh em chúng ta đó là: Hãy theo chân và bắt chước Đức Giêsu, Nhà Giảng Thuyết.
Đức Giêsu rao giảng cho một thế giới lúc bấy giờ cũng tràn ngập những đau khổ và bất công. Đám đông tụ họp để nghe Người giảng phần lớn là những người nghèo, kẻ đui mù, người bị áp bức và các tội nhân. Bởi vì sứ mạng của Người là được sai đến với họ. Tại Hội đường Do Thái, và để khai mạc cho sứ mạng của mình, Đức Giêsu đã đọc đoạn Kinh Thánh trích từ sách ngôn sứ Isaia và áp dụng cho chính bản thân Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19).
Đức Giêsu đã chữa lành bệnh tật: cho kẻ què đi được, người mù được sáng mắt, kẻ câm nói được, người phong cùi được sạch, kẻ bị quỷ ám được giải thoát, và cho đám đông được ăn no nê. Nhưng trên hết, Đức Giêsu rao giảng và mang đến cho họ một sứ điệp hy vọng, một niềm hy vọng không thể tìm thấy ở những giải pháp trần thế cho những vấn đề của họ - dĩ nhiên nhiều người trong số thính giả, kể cả nhiều môn đệ đã tỏ ra thất vọng, và họ đã không còn đi theo Người nữa. Niềm hy vọng Đức Giêsu rao giảng chính là “Nước trời đã đã đến gần”. Nơi chính bản thân và sự hiện diện Người – “Lời đã trở thành xác phàm”, Thiên Chúa gần gũi hơn bao giờ hết với con người, là thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Người. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa biết đến sự đói khát của họ, cho họ ăn uống, đồng bàn với những người cùng khốn và thứ tội lỗi cho họ.
Và trên hết, khi kêu gọi đám đông dân chúng hãy đi theo và học nơi Người, Đức Giêsu cống hiến cho họ điều duy nhất có thể làm thoả cho những khát vọng sâu xa nhất của họ: Sự hiệp thông với Thiên Chúa.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28-29).
Sau những năm dài khắc khoải tìm kiếm giải đáp cho những khát vọng khôn nguôi của phận người, thánh Agustino đã cảm nghiệm được chân lý sâu xa và cốt lõi này của Tin Mừng và ngài thốt lên: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa nên lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”
Chúng ta được sai đi rao giảng một sứ điệp hy vọng
Chính Đức Giêsu Kitô vừa là niềm hy vọng cho mọi người của mọi thời đại, vừa là nhà Giảng Thuyết về niềm hy vọng, mà các anh em Đa Minh dõi theo và bắt chước. Cha Đa Minh đã bước theo Đức Kitô và đã thành lập Dòng Giảng Thuyết – các anh em nhận lãnh sứ vụ tông đồ, rao giảng Đức Kitô “là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” cho con người của thời đại ngài.
Ngay từ thời tiên khởi và tiếp tục được minh định trong Hiến pháp Nền tảng, triệt I của Dòng rằng: Sứ mạng của anh em Đa Minh là “Loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới.” Cũng một sứ mạng tông đồ ấy, anh em được sai đi rao giảng Đức Kitô cho con người của thời đại này, vẫn hằng ngày phải đối diện với những đau khổ và thử thách dưới nhiều hình thức. Đức Kitô là chính niềm hy vọng, vì Người đã dùng ơn cứu độ thập giá mà giải thoát khỏi sự thống trị của quyền lực sự dữ và tội lỗi, làm cho chúng ta được tự do, có khả năng vượt thắng sự quy ngã, ra khỏi chính mình, để sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chính Người đã tiêu diệt thần chết (x. 2Tm 1,10), và cho chúng ta được tham dự vào sự sống bất tử của Người. Trong Đức Kitô, chúng ta có Thiên Chúa là Cha và trở nên anh em với nhau.
Tổng hội nhắc nhở rằng:
“Chúng ta không rao giảng niềm hy vọng về một thiên đường trần gian, một giải pháp, tại đây và bây giờ, cho những đau khổ và bất công đang hoành hành trên thế giới. Xét cho cùng, chúng ta gọi thế giới này là ‘thung lũng đầy nước mắt’ và là ‘chốn lưu đày’ như chúng ta vẫn thường cầu nguyện như thế với lời kinh Salve Regina. Thay vào đó, mục đích lời rao giảng của chúng ta là hướng đến ‘trời mới đất mới’, là nơi ‘không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa’, điều quan trọng nhất, nơi đây ‘chúng ta sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’ (x. Kh 21, 1, 3-4)”.
Niềm hy vọng tối hậu của con người chính là sự thông hiệp đời đời với Thiên Chúa. Sứ vụ của tu sĩ Đa Minh lời rao giảng và làm chứng cho điều cốt lõi này, niềm hy vọng tối hậu này. Vì Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, và ở cùng chúng ta “ mọi ngày cho đến tận thế”, nên niềm hy vọng tối hậu ấy đã khởi đầu ở trần gian này rồi.
“Chúa Kitô đã liên đới và hiệp nhất với những người cùng khốn và đau khổ của thế giới này, đến độ nhận lấy vào bản thân Người tất cả đau khổ và bất công mà họ phải gánh chịu (x. Mt 25,41-45, Cv 9,4-5). Vì thế, sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Kitô nhất thiết phải liên kết chúng ta với những đau khổ của họ – như Thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Côrintô, ‘Nếu một bộ phận đau, thì tất cả cùng đau’ (1Cr 12,26)… Chính từ sự liên đới thực sự với con người trong những đau khổ của họ mà lời rao giảng của chúng ta, những lời lên án, tố cáo những bất công mới được sinh ra” (Tultenango 66-67).
Kết luận. Bước đi cùng với và bước đi cùng nhau
Tổng hội Tultenango kêu gọi, vì xác tín có Đức Kitô là khuôn mẫu, Người sai chúng ta ra đi rao giảng và luôn đồng hành với chúng ta, các nhà giảng thuyết Đa Minh của ngày hôm nay:
- Trong tư cách là con người cùng chia sẻ một vận mạng và một cứu cánh, synodality - bước đi cùng với anh chị em mình, nhất là những người đang đau khổ và chịu bất công, bằng những liên đới, chia sẻ và nâng đỡ họ.
- Và trong tư cách là những nhà giảng thuyết, synodality - bước đi cùng nhau, để rao giảng sứ điệp hy vọng cho anh chị em mình, đồng thời lên tiếng bênh vực phẩm giá con người trước những bất công và đau khổ mà quyền lực của sự ác đang gây ra cho họ.
Mời đọc thêm (tr. 51-79 của tập này) : Domingo García Guillén, “Khuôn mặt hy vọng: Thông điệp Spe salvi của Đức Bênêđictô XVI trong bối cảnh thần học hiện đại” trong Thời sự Thần học, số 69 (tháng 8/2015), tr. 36-62.
[1] Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam sau 30.4.1975 cũng đã phải đương đầu với tình cảnh tương tự: các Tu viện thánh Tôma Vũng Tàu, Tu viện Đa Minh Thủ Đức bị tịch thu, các anh em cũng bị buộc phải phân tán đến các nhà nhỏ, sống giữa dân chúng ở Bình Phước, Lạc Quang, Long Bình, Minh Đức, v.v..